SỰ KIỆN
NGÀY 01/8/1930 - NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG
Cách
đây 93 năm, ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân kỷ niệm ngày quốc
tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, ủng hộ phong trào giải
phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với Nhân dân. Đây là tài liệu duy
nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay, đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của
Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây
được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với
quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống đế quốc, ủng hộ phong
trào giải phóng dân tộc. Kể từ ngày 01 tháng 8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả
nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của Nhân dân.
Ngay
từ khi mới ra đời, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác tư tưởng, công tác
tuyên truyền và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng. Trên cơ sở
những tài liệu và sự kiện này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VIII
đã quyết định lấy ngày 01-8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng,
văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban
Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung
ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 01-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công
tác Tuyên giáo của Đảng.
Ý NGHĨA CỦA NGÀY 01 THÁNG 8 - NGÀY TRUYỀN THỐNG
CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG
1. Đó
là mốc son lịch sử, đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của
lĩnh vực công tác Tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất
trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công
tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công
tác lãnh đạo của Đảng. Trải qua lịch sử 93 năm xây dựng và phát triển, cơ quan
chuyên trách làm công tác Tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và
có lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn
cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn nào, lĩnh vực Tuyên giáo cũng luôn giữ
được vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.
2. Đây
là dịp để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác
Tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của công tác Tuyên giáo,
coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.
3. Là
dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu
tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực Tuyên giáo. Qua đó, góp phần củng cố,
giữ vững trận địa Tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư
tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và Nhân dân. Đây
cũng là dịp các cấp ủy Đảng tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác
Tuyên giáo; cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp
công tác với Ban Tuyên giáo các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị
được giao.
4. Thông
qua các hoạt động kỷ niệm để ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành
Tuyên giáo, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư
tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành
Tuyên giáo./.
BAN TUYÊN GIÁO XÃ